Mở rộng bờ cõi Hoàng_Thái_Cực

Việc mở rộng bờ cõi là một bước nằm trong sự tính toán của Hoàng Thái Cực. Bằng việc chinh phạt, ông có điều kiện đẩy ra xa một số Bối lặc đối thủ, tranh thủ củng cố thế lực. Nếu chinh phạt thành công, ông có thể tăng thêm uy tín với các thần dân. Nếu thất bại, ông có lý do để tước binh quyền và loại trừ đối thủ.

Bấy giờ, nước Hậu Kim nằm giữa ba nước lớn đó là phía Nam giáp Triều Tiên, phía Tây giáp Mông Cổ và phía Tây Nam giáp với Đại Minh.

Trong ba nước trên thì Mông Cổ tuy qua thời kỳ hoàng kim và hiện đang suy yếu, nghèo nàn, lạc hậu nhưng thực lực quân sự là rất đáng gờm. Kỵ binh Mông Cổ dũng mãnh, thiện chiến, người dân thì vạm vỡ, ngoan cường, nếu chọn Mông Cổ là đối tượng cho cuộc viễn chinh đầu tiên thì hoàn toàn không có lợi cho Hậu Kim. Nếu có dốc sức "đánh lấy được" thì có thể Hậu Kim phải trả một giá khá đắt.

Trong khi đó Đại Minh tuy đang trong giai đoạn suy yếu, nội loạn nhưng vẫn là một quốc gia có cương vực rộng lớn, dân số đông, nhiều nhân tài. Với thực lực hiện tại thì Hậu Kim chưa đủ khả năng để xâm chiếm ngay được. Chưa kể đó là sự hiện diện của vị tướng Viên Sùng Hoán tài trí song toàn. Ngoài ra, thì quân Kim cũng vừa thất bại trong trận chiến Ninh Viễn, gián tiếp dẫn đến cái chết của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, tinh thần chiến đấu của quân Kim vẫn chưa hồi phục.

Trước tình thế trên thì Triều Tiên nhanh chóng được Hoàng Thái Cực xác định là mục tiêu hàng đầu cho kế hoạch bành trướng lãnh thổ. Triều Tiên là một nước được Hoàng Thái Cực đánh giá là có binh lực yếu nhược, nhưng sản vật thiên nhiên phong phú, sẽ là nguồn hậu cần về kinh tế dồi dào cho quân Kim trong các đợt viễn chinh sau này. Mặt khác Triều Tiên cũng là đồng minh quan trọng của nhà Minh, từng gửi binh tham chiến trong Trận Tát Nhĩ Hử (so với Mông Cổ vốn là kẻ thù của Minh triều), chính vì vậy sẽ rất nguy hiểm cho hậu phương của quân Kim nếu Triều Tiên lớn mạnh.

Chinh phục Triều Tiên lần thứ nhất

Xem bài chi tiết Triều Tiên Nhân Tổ, phần chiến tranh với Mãn Châu.

Việc chọn Triều Tiên là điểm mở màn cho kế hoạch bành trướng mở rộng bờ cõi hoàn toàn nằm trong sự tính toán của Hoàng Thái Cực. Trong nửa sau của triều đại nhà Lý (hay còn gọi là nhà Triều Tiên), chủ nghĩa bè phái phát triển, đất nước suy yếu.[27] Sau trận chiến tại Sarhu, để tránh sự uy hiếp của chính quyền Hậu Kim đang trở nên hùng mạnh, vua Triều Tiên bấy giờ là Quang Hải Quân đã đàm phán với Hậu Kim để tránh khỏi rơi vào một cuộc chiến khác. Tuy nhiên, 4 năm sau, năm 1623, Quang Hải Quân bị phái Tây Nhân phế truất và bị lưu đày. Lăng Dương quân được lập lên làm vua, thực hiện đường lối thân Minh chống Mãn.[28] Phái ủng hộ Quang Hải Quân lập tức sang cầu cứu Hoàng Thái Cực. Với cớ đó, Hoàng Thái Cực ngay lập tức phát động các cuộc chiến tranh với Triều Tiên để mở rộng ảnh hưởng.

Năm 1627, một cuộc xâm lược Triều Tiên trong một cuộc chiến tranh chớp nhoáng được phát động do Nhị Bối lặc A Mẫn chỉ huy, các Bối lặc A Tế Cách, Tế Nhĩ Cáp Lãng, Nhạc Thác, Thạc Thác làm phó tướng, đốc suất 3 vạn quân Nữ Chân, với sự dẫn đường của các tướng Gang Hong-rip và Yoto.[29] Dù có sự hỗ trợ của tướng Minh là Mao Vạn Long, quân đội nhà Lý vẫn kháng cự bạc nhược, không thể đẩy lùi sự đánh phá của quân Hậu Kim. Vua Nhân Tổ phải bỏ Hán Thành chạy trốn ra đảo Ganghwa.

Tuy nhiên, lo ngại việc Minh Triều và Mông Cổ sẽ tập kích, Hoàng Thái Cực chủ động đề xuất hòa nghị. Vua Nhân Tổ nhanh chóng chấp nhận những điều kiện "nhẹ nhàng" của Hậu Kim để họ lui quân.[30]

Các điều kiện đó là:

  1. Kim - Triều lập minh ước làm huynh đệ. Kim là huynh, Triều Tiên là đệ.
  2. Triều Tiên không được sử dụng niên hiệu Thiên Khải của nhà Minh nữa.
  3. Vương tử Yi Gak (âm Hán Việt: Lý Giác) của Triều Tiên sang Kim "tỏ tình hòa hiếu".[31]
  4. Kim - Triều không xâm phạm lãnh thổ của nhau.

Những điều kiện trên đã gây bất mãn cho một số Bối lặc, đứng đầu là Nhị bối lặc A Mẫn, vì cho rằng không tương xứng với uy danh của Hậu Kim. Họ đã gây nhiều cản trở cho công cuộc hòa nghị. Chính điều này đã buộc Hoàng Thái Cực phải quyết định xử lý A Mẫn một năm sau đó.

Khuất phục Mông Cổ

Sau khi mất quyền kiểm soát vùng Trung Nguyên cuối thế kỷ 14, người Mông Cổ nhiều lần tỏ rõ ý định khôi phục lại đế chế Đại Nguyên. Tuy nhiên, chiến tranh liên miên đã làm người Mông Cổ rơi vào tình thế nghiêm trọng. Họ luôn là đối tượng "tiễu trừ" của nhà Minh cũng như đối tượng chinh phạt của người Nữ Chân đang vào thời kỳ cường thịnh trở lại. Ngay từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thông qua các cuộc liên hôn chính trị và chinh phạt, nhiều bộ lạc Mông - Mãn đã quy thuận và liên kết đồng minh với Nữ Chân hơn là với nhà Minh, kẻ thù truyền kiếp của họ.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số bộ tộc lớn của Mông Cổ tự cho là hậu duệ kế thừa của hoàng đế Đại Nguyên, không chịu khuất phục dưới quyền lực Hậu Kim. Sau khi lên ngôi Hãn, Hoàng Thái Cực đặt chú ý đến việc loại trừ hoàn toàn những bộ tộc Mông Cổ láng giềng không thân thiện ở sát sườn Hậu Kim, luôn nuôi ý định quật cường trở lại đế chế Đại Mông Cổ. Mặt khác, người Mông Cổ vốn anh dũng, thiện chiến, có sở trường về kỵ binh, sẽ là nguồn quan trọng để bổ sung vào đội ngũ bát kỳ những chiến binh tài giỏi, đó sẽ là những đơn vị tiên phong của quân đội và là lực lượng xung phong trong các chiến dịch đánh nhà Minh sau này.

Sau chiến dịch Triều Tiên lần thứ nhất, Hoàng Thái Cực có điều kiện để khởi binh tấn công Đại Minh. Tuy nhiên, ông vẫn không quên chinh phạt Mông Cổ. Hàng loạt các cuộc chinh phạt diễn ra trong 5 năm buộc Lâm Đan Hãn (Lingdan Khan), vị Đại Hãn cuối cùng của người Mông Cổ, phải đào tẩu và chết trên đường tới Tây Tạng. Năm 1634, con trai ông là Ngạch Triết Hãn (Ejei Khan) đã phải đầu hàng người Mãn Châu và trao lại ấn ngọc truyền quốc của Hoàng đế triều Nguyên cho Hoàng Thái Cực.[32] Năm 1635, Hoàng Thái Cực được các quý tộc Mông Cổ suy tôn làm Đại Hãn của Mông Cổ với danh hiệu Aghuda Öröshiyegči Nayiramdaghu Boghda Khagan. Từ đây, Mông Cổ trở thành một phần của đế chế Mãn Thanh.

Xâm lược Triều Tiên lần thứ hai

Xem thêm: Cuộc xâm lược Triều Tiên lần thứ hai của Mãn Châu

Sau thất bại trước quân Hậu Kim năm 1627, Triều Tiên phải nhún mình triều cống. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì thái độ dè chừng. Nhất là sau 2 thất bại của Hoàng Thái Cực trong trận Ninh Viễn lần thứ hai và trận tập kích Bắc Kinh, Triều Tiên bắt đầu trở mặt. Vì tình thế lúc đó phải tập trung củng cố nội bộ, Hoàng Thái Cực đành "tạm tha" cho Triều Tiên. Sau khi chinh phục Mông Cổ, ông chuẩn bị xưng Đại Hãn Mông Cổ, sai sứ giả thông báo cho Triều Tiên. Phía Triều Tiên liền bắt giam sứ giả của Hậu Kim, đồng thời tuyên bố không thừa nhận minh ước Kim - Triều năm 1627.

Tháng 4 năm 1636, Hoàng Thái Cực xưng đế, cải quốc hiệu Đại Thanh. Tháng 12 năm đó, lấy lý do Triều Tiên phản bội minh ước, ông đích thân xuất chinh, dẫn 12 vạn quân của Bát kỳ Mãn Châu, Mông Cổ và Hán quân, một lần nữa xuất quân đánh chiếm Triều Tiên.[33] Các thân vương Đa Nhĩ Cổn, Hào Cách thống lĩnh cánh trái quân Mãn châu, Mông Cổ, đột kích ải Trường Sơn; Hộ bộ Thừa chính Mã Phúc Tháp (âm Mãn: Mafuta) dẫn một cánh quân đột kích vương đô Hán Dương (âm Triều Tiên: Hanseong) của Triều Tiên nhằm chặn đường rút của Triều Tiên Nhân Tổ, Đa Đạc, Nhạc Thác dẫn binh mã tiếp ứng. Bên cạnh đó, để phòng ngừa sự tập kích của nhà Minh, các Thân vương Tế Nhĩ Cáp Lãng được giao phòng thủ Thẩm Dương; A Tế Cách, A Ba Thái cửa biển Liêu Hà. Đích thân Hoàng Thái Cực cùng các Thân vương Đại Thiện, Nhạc Thác đốc suất các lộ quân còn lại tấn công thẳng vào Triều Tiên.[29]

Quân Triều Tiên nhanh chóng vỡ trận. Một lần nữa Triều Tiên Nhân Tổ xuống nước cầu hòa.[30] Nhưng lần này, thế lực của quân Thanh đã hùng mạnh hơn rất nhiều, nhà Minh cũng bất lực trong việc tiếp cứu cho đồng minh trung thành. Hoàng Thái Cực ra yêu cầu buộc Nhân Tổ phải đầu hàng và phải chấp nhận những điều kiện nặng nề hơn:

  1. Triều Tiên trở thành phiên thuộc của Thanh triều.
  2. Triều Tiên đoạn tuyệt quan hệ với nhà Minh.
  3. Trưởng tử của Nhân Tổ là Chiêu Hiển Thế tử Lý Vương (chữ Hán: 李溰, chữ Triều Tiên: 이왕), thứ tử Phượng Lâm Đại quân Lý Hạo (chữ Hán: 李溰, chữ Triều Tiên: 이왕)[34] đến Thanh triều "tỏ tình hòa hiếu".
  4. Triều Tiên phải triều cống Thanh triều.
  5. Thanh triều đánh nhà Minh, Triều Tiên phải xuất binh mã, chiến thuyền hỗ trợ.
  6. Thanh triều cấm Triều Tiên đại tu thành trì công sự mà không được phép của Thanh triều.

Không còn cách nào khác, Nhân Tổ buộc phải chấp nhận tất cả.

Sau khi minh ước được ký kết, Hoàng Thái Cực cho xây dựng bia kỷ niệm "Công đức Hoàng đế Đại Thanh" rồi rút quân về.[35]

Với hòa ước này, đồng minh truyền thống của nhà Minh đã hoàn toàn bị đánh bại và Triều Tiên dưới triều đại nhà Lý Triều Tiên buộc phải chấm dứt công nhận nhà Minh mà phải công nhận Đế chế Thanh là bảo hộ. Trên thực tế, Triều Tiên đã là chư hầu của nhà Thanh[27] và đây là nguồn hậu cần quan trọng trong các chiến dịch tiếp theo của Hoàng Thái Cực và những người kế vị sau này. Thậm chí, cho đến mãi năm 1894, Triều Tiên vẫn là một chư hầu của nhà Thanh. Chỉ khi sau Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, Nhật Bản đã buộc nhà Thanh phải công nhận Triều Tiên là chư hầu của Nhật, xác nhận sự kết thúc của mối quan hệ triều cống Thanh - Triều Tiên.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng_Thái_Cực http://www.britannica.com/EBchecked/topic/110832 http://news.sina.com/oth/chinesedaily/301-000-101-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://id.loc.gov/authorities/names/n84018818 http://d-nb.info/gnd/138504326 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00627831 http://sillok.history.go.kr/inspection/insp_king.j... http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063146462 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%...